Tác phẩm Vương_Túc_(Tam_Quốc)

Túc sớm ưa học thuyết của Giả Quỳ, Mã Dung, mà không thích Trịnh Huyền, lựa chọn và tập chọn những điều đồng – dị, làm truyện của kinh Thư, kinh Thi, Luận ngữ, Tam lễ (Nghi lễ <仪礼>, Chu lễ <周礼>, Lễ ký <礼记>), Tả truyện, rồi biên tập tác phẩm Dịch truyện của Vương Lãng, đều đưa vào Học quan [lower-alpha 7]. Ngoài ra Túc còn bàn luận về các vấn đề của triều đình: điển chế, tế Giao, tông miếu, tang ma, nặng nhẹ,... cả thảy hơn 100 thiên.[1] Tùy thư – Kinh tịch chí ghi nhận cho đến đời Đường, tác phẩm của Túc còn lưu hành ở đời có hơn 20 bộ, hơn 190 quyển,[9] nhưng ngày nay phần lớn đều đã thất lạc.

Mã Quốc Hàn (马国翰) – Ngọc Hàm sơn phòng tập dật thư (玉函山房丛书) tìm lại được vài tác phẩm: Chu Dịch Vương thị chú, Lễ ký Vương thị chú, Thượng thư Vương thị chú đều còn 2 quyển; Chu Dịch Vương thị âm, Mao thi nghĩa bác, Mao thi tấu sự, Mao thi vấn nan, Tang phục kinh truyện Vương thị chú, Vương thị tang phục yếu ký, Xuân Thu Tả truyện Vương thị chú, Luận ngữ Vương thị nghĩa thuyết, Hiếu kinh Vương thị giải, Thánh chứng luận, Vương tử chánh luận đều còn 1 quyển; Mao thi Vương thị chú còn 4 quyển; cả thảy 15 bộ, 21 quyển. Toàn Tam quốc văn (全三国文) dành riêng quyển 23 cho Túc, ghi chép 35 văn bản của Túc ở nhiều thể loại: phú, biểu, sớ tấu, tụng, giải tự, thư, từ,... còn nhắc đến Thánh chứng luận có 12 quyển, Khổng tử gia ngữ có 21 quyển, Vương tử chánh luận có 10 quyển, Văn tập có 5 quyển. Nhưng Thánh chứng luận, Vương tử chánh luận và Văn tập chỉ còn như trên, riêng Khổng tử gia ngữ (孔子家语) được Tứ khố toàn thư thu lục, hiện còn 10 quyển.